Huong Nguyen, PhD

Home » Blog » iVANet-RDP-Seminar 3_Xây dựng đề cương luận án Tiến sĩ như thế nào?

iVANet-RDP-Seminar 3_Xây dựng đề cương luận án Tiến sĩ như thế nào?

Đây là nội dung buổi tọa đàm số 3 trong chương trình iVANet-RDP, Phát triển nhà nghiên cứu Việt thông qua Mạng lưới tri thức Việt nam toàn cầu thực hiện ngày 24/03/2018. Mục đích chính của buổi tọa đàm là truyền cảm hứng và kinh nghiệm xây dựng đề cương luận án Tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh ngành khoa học xã hội đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình học Tiến sĩ. Buổi tọa đàm được dẫn dắt bởi Thạc sĩ Trịnh Ngọc Anh, Giảng viên trường Đại học Ngân hàng, Nghiên cứu sinh trường Đại học Canterbury, Úc. Ba diễn giả tham gia tọa đàm gồm: 1. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy Minh, Phó giáo sư trường Đại học Công nghệ NanYang, Singapore; 2. Tiến sĩ Hoàng Lan Anh, Giảng viên chính, Trường đại học Melbourne, Australia; và 3.Tiến sĩ Vũ Tiến Hồng, Giảng viên, Đại học Kansas, Mĩ. Với tổng số 54 người tham dự buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí trao đổi vô cùng cởi mở và sôi nổi.  Dựa vào nội dung trao đổi tại buổi tọa đàm và kinh nghiệm 10 năm học và làm nghiên cứu của tôi ở Úc, bài viết này thảo luận tầm quan trọng của đề cương nghiên cứu sinh và các yếu tố cần xem xét trong quá trình xây dựng và phát triển đề tài nghiên cứu.

Tại sao phải lựa chọn và xây dựng được một đề cương nghiên cứu sinh hiệu quả?

Luận án Tiến sĩ sau khi hoàn thành có thể được ví như một sinh linh bé bỏng mới ra đời. Để có được sản phẩm ấy, mỗi nghiên cứu sinh không chỉ mất 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, mà là mất ít nhất từ 3-5 năm để lên ý tưởng, phôi thai, nuôi dưỡng, và hoàn thiện. Việc sản phẩm ấy tròn méo ra sao, có ý nghĩa đóng góp về mặt học thuật như thế nào đối với chuyên ngành hẹp của nghiên cứu sinh, và có khả năng đóng góp gì cho sự phát triển chung của xã hội phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn đề tài nào để nghiên cứu.

Đối với những người bắt đầu con đường nghiên cứu ở bậc Tiến sĩ, đề cương nghiên cứu có vai trò quyết định trực tiếp đến kết quả xét tuyển hồ sơ xin học. Là một thành viên của Hội đồng xét tuyển hồ sơ nghiên cứu sinh của Khoa Giáo dục, trường Đại học Công nghệ NanYang, Singapore, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy Minh cho rằng có rất nhiều tiêu chí đánh giá hồ sơ xin học Tiến sĩ như bằng cấp, bảng điểm kinh nghiệm nghiên cứu; thư giới thiệu; chứng chỉ tiếng Anh, và đề cương nghiên cứu. Tuy nhiên, chất lượng của đề cương nghiên cứu là tiêu chí chính để Hội đồng xét tuyển quyết định tuyển chọn ứng viên vào học.  Ở khoa nơi Tiến sĩ Minh công tác, tỉ lệ trúng tuyển năm 2017 là 38%.

Ngay cả với những nghiên cứu sinh đã được chấp nhận vào học, tùy thuộc vào mô hình đào tạo Tiến sĩ của từng trường và từng quốc gia, mỗi nghiên cứu sinh vẫn phải giành từ một đến vài năm để tiếp tục học và đọc chuyên sâu vào lĩnh vực mình định nghiên cứu, từ đó viết nên bản kế hoạch/đề cương nghiên cứu cuối cùng. Đối với những người muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu hàn lâm sau khi tốt nghiệp thì luận án nghiên cứu ở bậc Tiến sĩ chính là nền tảng quan trọng giúp họ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực hẹp của ngành mình hoặc để tiếp tục mở rộng ra các hướng nghiên cứu mới có liên quan. Vậy các yếu tố nào cần xem xét khi lựa chọn và phát triển đề tài nghiên cứu?

Các yếu tố nào cần xem xét khi lựa chọn và phát triển đề tài nghiên cứu?

Có nhiều yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn và phát triển đề tài nghiên cứu nhưng trong bài viết này, tôi đề cập tới 4 yếu tố có liên quan mật thiết với nhau bao gồm: đam mê cá nhân, lỗ hổng trong tri thức nhân loại, ý nghĩa của đề tài, và tính khả thi của đề tài.

  1. Đam mê cá nhân (Personal research interest)

Để xây dựng được một đề cương nghiên cứu nuôi dưỡng đam mê, mỗi nghiên cứu sinh nên bắt đầu bằng câu hỏi: “Đâu là đam mê cá nhân của tôi?” hay “Tôi muốn tạo ra tri thức mới trong lĩnh vực gì?”

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra đâu là đam mê của bản thân. Chúng ta có thể dễ dàng nói: Tôi thích nghe nhạc/chơi nhạc; Tôi đam mê nấu ăn; Tôi thích đá bóng. Đó là vì các việc này rất phổ biến và xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng liên quan tới nghiên cứu khoa học, nhiều nghiên cứu sinh Việt nam sẽ rất lúng túng không biết đâu là lĩnh vực/chủ đề nghiên cứu mà bản thân đam mê. Các nghiên cứu sinh tương lai là giảng viên trong các trường đại học ở Việt Nam thường không được ‘tiếp xúc’ thường xuyên với ‘nghiên cứu khoa học’, do vậy, có thể không hiểu rõ được bản chất của nghiên cứu khoa học và/hoặc không cập nhật kịp với các vấn đề nghiên cứu hiện hành trên thế giới. Vậy làm sao họ có thể xác định đâu là lĩnh vực nghiên cứu mình đam mê?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy Minh, đam mê đó có thể được tìm ra qua các môn học ở bậc đại học, cao học, những dự án nghiên cứu trước mà ứng viên đã tham gia, hay từ một thách thức thực tế nghề nghiệp cần ta phải giải quyết. Đối với Tiến sĩ Hoàng Lan Anh đam mê ấy trở nên rõ ràng hơn khi trên đường từ Anh trở về Việt nam sau khi kết thúc khóa học Thạc sĩ, chị tình cờ ngồi cùng chuyến bay với một hành khách là phụ nữ Việt nam đi lao động ở nước ngoài. Thông qua cuộc nói chuyện đó, chị thôi thúc muốn được biết về chuyện di cư của người Việt nam ra nước ngoài một cách sâu xa. Chị cho rằng, khi có đam mê về tri thức và về chủ đề mà nhà nghiên cứu quan tâm thì việc nghiên cứu sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Khi đó nghiên cứu không phải là gánh nặng mà nó làm cho nhà nghiên cứu cảm thấy hạnh phúc về công việc mình đang làm.

Là một người nghiên cứu về chính sách và quản lý giáo dục đại học, đối với bản thân tôi, đam mê đó được định nghĩa bằng niềm tin của tôi về những lợi ích của việc xây dựng năng lực (capacity building), có thể ở cấp cá nhân (individuals) hoặc cấp tổ chức (organizations), nhằm thúc đẩy sự phát triển nói chung. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu năng lực của mỗi cá nhân hoặc mỗi tổ chức được phát huy tối đa, không những bản thân mỗi cá nhân, mỗi tổ chức mà cả cộng đồng và xã hội nói chung đều được hưởng lợi. Niềm tin ấy là thứ thôi thúc tôi làm việc và nghiên cứu mỗi ngày. Tôi tin vào kết quả tốt đẹp mà việc xây dựng năng lực (capacity building) có thể mang lại.

Tóm lại, để xác định đam mê cá nhân, mỗi nghiên cứu sinh hãy tự trả lời các câu hỏi: “Đâu là giá trị mà tôi theo đuổi”; “Điều gì tôi cho là quan trọng trong lĩnh vực chuyên môn của tôi?” Trả lời nghiêm túc các câu hỏi này có thể giúp nghiên cứu sinh định hình được một vài lĩnh vực quan tâm chung chung, từ đó tiến hành các bước tiếp theo để xác định đề tài nghiên cứu cụ thể.

  1. Lỗ hổng trong tri thức nhân loại (knowledge/literature gaps)

Câu hỏi thứ hai mà ứng viên nghiên cứu sinh phải trả lời khi xây dựng đề cương nghiên cứu, đó là: Liên quan đến chủ đề nghiên cứu mà tôi đam mê, có lỗ hổng nào trong tri thức nhân loại tôi nên đề xuất nghiên cứu? Tri thức là vô hạn, vì vậy về lý thuyết, một nhà nghiên cứu sẽ luôn có cách để lập luận cho việc tồn tại của một lỗ hổng kiến thức nào đó. Cái khó ở đây là làm thế nào để thuyết phục được các thành viên hội đồng xét duyệt, những người thường đã có bề dày nghiên cứu về lĩnh vực bạn muốn đề xuất rằng lỗ hổng bạn tìm ra và đề xuất nghiên cứu là thực sự cần thiết?

Trong đề cương xin học, các ứng viên nghiên cứu sinh tiềm năng chỉ cần thể hiện sự hiểu biết tương đối ban đầu về lĩnh vực nghiên cứu dự định đề xuất. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy Minh, việc này có thể được thực hiện nhanh chóng thông qua việc tìm đọc các bài báo ở dạng tổng quan (‘state-of-the art’ articles) và sách tóm tắt nội dung chuyên khảo của từng ngành (handbooks). Sau khi đã vào học, tùy thuộc vào mô hình tổ chức đào tạo Tiến sĩ ở mỗi trường đại học/mỗi quốc gia, nghiên cứu sinh sẽ tiếp tục học và đọc để mở rộng hiểu biết về lĩnh vực nghiên cứu của mình. Điều quan trọng nhất là trong đề xuất nghiên cứu cuối cùng, nghiên cứu sinh phải thể hiện được sự hiểu biết tổng quan rất sâu sắc về lĩnh vực nghiên cứu mình đề xuất. Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Hồng, đối với những ai theo học chương trình nghiên cứu sinh tại Mĩ, việc phát hiện ra lỗ hổng nghiên cứu được thực hiện khá thuận lợi qua trao đổi với giáo sư hướng dẫn, tham gia vào các môn học (coursework), và việc tự đọc tài liệu chuyên khảo. Ở các mô hình đào tạo không có hoặc có ít môn học (coursework) như ở Úc và New Zealand, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy Minh và Tiến sĩ Hoàng Lan Anh cùng nhấn mạnh rằng, nghiên cứu sinh chỉ có cách là ‘Đọc, đọc nữa, đọc mãi’.

  1. Ý nghĩa/đóng góp của đề tài nghiên cứu (Research significance)

Câu hỏi tiếp theo mà nghiên cứu sinh/ứng viên nghiên cứu sinh phải trả lời, đó là: “Đề tài tôi định nghiên cứu có ý nghĩa/đóng góp gì?” Thực ra, nếu các nghiên cứu sinh trả lời tốt câu hỏi số một “Điều gì tôi cho là quan trọng trong lĩnh vực chuyên môn của tôi?” và câu hỏi số hai “Có lỗ hổng nào trong tri thức nhân loại liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu mà tôi quan tâm” thì câu trả lời cho câu hỏi số 3 chỉ là kết quả tất yếu của hai câu hỏi ở trên. Để xác định được ý nghĩa/đóng góp của đề tài nghiên cứu, theo tôi, nghiên cứu sinh/ứng viên nghiên cứu sinh nên trả lời ba câu hỏi sau:

  • Đề tài này sẽ sản sinh ra tri thức mới gì?
  • Tri thức mới này có ý nghĩa như thế nào với giới học thuật?
  • Tri thức mới này có ý nghĩa như thế nào với thực tế cuộc sống kinh tế văn hóa xã hội?

Câu trả lời được rõ ràng và thuyết phục cho ba câu hỏi trên đây sẽ có thể sẽ:

  • giúp cho nghiên cứu sinh nuôi dưỡng và thắp cháy ngọn lửa đam mê nghiên cứu trong ít nhất 3-5 năm cuộc đời mình.
  • giúp cho các nhà tài trợ sẵn sàng đầu tư 3-5 năm cho chương trình nghiên cứu của bạn.
  • giúp vợ/chồng/người thân đồng ý chấp nhận hi sinh (bằng cách này hay cách khác) để ủng hộ việc học tập của bạn trong 3-5 năm.
  1. Đề tài tôi định nghiên cứu có khả thi không? (Research feasibility)

Một đề tài nghiên cứu không chỉ dựa vào đam mê cá nhân, lỗ hổng tri thức nhân loại, có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng, mà nó còn phải khả thi trên thực tế. Tính khả thi ở đây có thể là về phương pháp nghiên cứu; về sự ủng hộ của giáo viên hướng dẫn và hội đồng xét duyệt, về nguồn lực con người, và về thời gian. Bản thân tôi đã từng đề xuất một đề tài mà tôi vô cùng tâm huyết (sứ mệnh thứ ba của các trường đại học ở Việt nam, sứ mệnh kết nối với xã hội, bên cạnh hai sứ mệnh truyền thống là giảng dạy và nghiên cứu), nhưng tôi đã không thực hiện đề tài ấy vì lo sợ rằng tôi không thể lấy được số liệu nghiên cứu cần thiết. Nếu thực hiện đề tài này, về Việt nam tôi sẽ khó tìm được người tham gia phỏng vấn phù hợp, vì các trường đại học ở Việt nam thường có Phòng Quản lý đào tạo, Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học, nhưng hầu như không có Phòng Quản lý kết nối với xã hội. Tóm lại, tùy vào mỗi đề tài nghiên cứu cụ thể, các yếu tố khả thi của mỗi đề tài có thể khác nhau. Vì vậy, bạn nên nói chuyện với giáo sư hướng dẫn, và bất ai có thể đưa ra lời khuyên về đề tài nghiên cứu của mình để xác định xem đề tài mình đề xuất có khả thi hay không và liệu mình có nên tiếp tục đề xuất và theo đuổi đề tài đó?

Trên đây là bốn yếu tố chính mà tôi đưa ra để các nghiên cứu sinh hoặc ứng viên nghiên cứu sinh nên cân nhắc, xem xét khi lựa chọn và phát triển đề cương nghiên cứu ở bậc Tiến sĩ. Tôi hi vọng các bạn thấy nội dung bài viết hữu ích, đặc biệt khi bạn đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình học làm nghiên cứu chuyên nghiệp. Tôi tin rằng, còn có rất nhiều câu hỏi khác liên quan mà các bạn đang tìm câu trả lời, ví dụ như: Hồ sơ đăng kí học Tiến sĩ bao gồm những gì? Đề cương nghiên cứu bao gồm những gì? Tôi nên chọn đề tài nghiên cứu về Việt nam hay về nước sở tại? Hay thậm chí là Liệu tôi có nên học Tiến sĩ? Nếu vậy, xin mời các bạn hãy xem Youtube video về nội dung cụ thể của buổi Hội thảo trực tuyến thứ ba của chương trình iVANet-RDP-Seminar 3, Phát triển nhà nghiên cứu Việt ở đây nhé!