Huong Nguyen, PhD

Home » Uncategorized » Vì sao tôi flex?

Vì sao tôi flex?

Đi hội thảo khoa học để làm gì?

Với những người đã làm khoa học lâu năm, câu hỏi này không có nhiều ý nghĩa, bởi họ đã quá quen với nghề. Chuyện đi dự và trình bày ở hội thảo chỉ là một trong những công việc thường niên phải làm. Giống như người ta đi cấy ra đồng phải chào nhau, nếu nhà ai lúa tốt hơn thì xúm vào hỏi nhà bác làm gì mà lúa xanh thế!! Nhưng với những người ngoài nghề hoặc mới chập chững bước vào nghề, mục đích của việc tham dự hội thảo không phải ai cũng rõ.

Hội thảo khoa học đầu tiên tôi tham dự ở thời còn làm nghiên cứu sinh là Hội Thảo lần thứ 32 của Hiệp hội Giáo dục Đại học Châu Âu. Lúc đó tôi còn đang ở năm thứ nhất, đang loay hoay với việc chọn đề tài. Nhưng lúc nhìn thấy chủ đề của hội thảo thì tôi biết mình phải đi. Tôi vội vàng viết đề xuất ý tưởng, xin ý kiến thầy, và gấp rút xin visa để lên đường. Hội thảo đó được tổ chức năm 2010, tại Valencia, Tây Ban Nha. Kết quả sau chuyến đi của hội thảo là tôi quyết định không theo đuổi đề tài nghiên cứu về sứ mệnh chuyển giao tri thức, kết nối phục vụ xã hội của trường đại học nữa, mà chuyển sang làm về xây dựng năng lực nghiên cứu cho các trường đại học của Việt nam. Trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ, nghiên cứu phải được mang ra ứng dụng và tạo ra giá trị sử dụng trong thực tiễn, chứ không thì nghiên cứu làm gì? Tuy nhiên nếu nhìn vào thực tế việt nam lúc ấy, các trường đại học đã có năng lực nghiên cứu đâu mà chuyển giao. Vậy nếu tôi làm đề tài đó thì tôi phỏng vấn ai? Lấy dữ liệu ở đâu bấy giờ. Với những khó khăn ấy, tôi phải đổi đề tài nghiên cứu, dù lúc ấy tôi chỉ cách ngày bảo vệ đề cương tròn 2 tháng. May thay thầy tôi vẫn đồng ý. Và như vậy, đi hội thảo có thể chỉ là trình bày và thử nghiệm xem ý tưởng, hướng nghiên cứu của mình có thực tế hay không?

Một mục đích khác của tham dự hội thảo là đi nghe ngóng học hỏi để có cái nhìn tổng thể hơn về ngành nghiên cứu của mình. Với tôi, đó là hội thảo AOM – Hiệp Hội Nghiên cứu và Thực hành Quản Lý của Mĩ mà tôi tham dự lần đầu tiên ở California năm 2016. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đến Mỹ. Tôi bị choáng ngợp bởi số lượng tham gia hội thảo (thường hơn 10 ngàn người mỗi năm) và số lượng các bài trình bày (vài ngàn), số lượng ngày hội thảo (5 ngày), chất lượng người tham gia (tất cả các chuyên gia đầu ngành từ Harvard, MIT, Yale … đều quy tụ về đây). Sau khi dự hội thảo này tôi biết còn một khoảng cách rất xa để tôi có thể xuất bản được trong các tạp chí ngành Quản trị hay trở thành Giảng viên có chân nghiên cứu trong ngành quàn trị.

Một trong những mục đích chính của dự hội thảo chính là để trình bày nghiên cứu của mình. Với tôi, đó là hội thảo tôi tham dự năm 2018 tại Melbourne do Hiệp Hội Quản lý về các hoạt động nghiên cứu của Úc và New Zealand tổ chức. Ở hội thảo đó tôi trình bày thực tiễn và thách thức xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học cho các trường đại học ở việt nam dựa trên Luận án tiến sĩ của tôi. Các vấn đề khoa học đều rất kén người nghe, và đây là lần đầu tiên tôi trình bày ở Hội thảo mà phòng chật kín người ngồi nghe. Tôi thấy rất vui ở trong lòng. Như vậy quan trọng là chúng ta phải trình bày vấn đề với đúng đối tượng muốn nghe nội dung mà ta trình bày.

Người ta cũng đi hội thảo để kết nối, giao lưu, tìm người hợp tác trong nghiên cứu. Với tôi, điều này đã xảy ra ở AOM 2020 khi tôi dự hội thảo trong thời Covid. Do lệch múi giờ, tôi phải thức xuyên đêm mấy ngày tham dự. Tôi nhận thấy tôi rất hay dự cùng phòng với một gs tên là Yehuda nào đó. Ở mỗi bài trình bày tôi và ông đều đặt các câu hỏi khá liên quan. Tôi lò dò tìm hiểu xem ông ấy là ai, và thấy ông là chuyên gia nghiên cứu về nghề nghiệp, đặc biệt nghề giảng viên. Vậy nên tôi nhắn tin, xin hẹn gặp, và sau đó Dự án nghiên cứu về Con đường sự nghiệp Hiệu trưởng 3 nước Anh Pháp Việt nam ra đời. Với người thầy quá cố của tôi, đi hội thảo trình bày là phụ, mà giao lưu kết nối mới là chính. Đến nay tôi hoàn toàn đồng ý.

Có lẽ đa số mọi người chỉ dừng lại ở bốn mục đích kể trên. Còn tôi là đứa ham chơi, nên tôi đi hội thảo để tiện thế đi du lịch. Vậy nên có phải tự trả tiền dự hội thảo tôi cũng đành lòng. Tôi có thể ko cần mua túi hàng hiệu, và thực tế tôi cũng chưa mua cho mình cái nào, nhưng dự hội thảo thì tôi phải đi.

Năm nay được đến AOM, với người ta nó bình thường, nhưng với tôi đó là bầu trời ước mơ. Không chỉ bời vì AOM là hội thảo đỉnh cao nhất trong ngành, mà bởi vì AOM năm nay được tổ chức ở Boston, nơi có Đại học Harvard, ngôi trường tôi cảm thấy yêu quý mến mộ dù chỉ đọc qua sách vở. Trở về từ Boston, đã check in Harvard, nhưng tôi vẫn nghĩ mình đang mơ, một giấc mơ Harvard. Đang ngồi trên máy bay, tôi tranh thủ viết vài dòng tự sự, chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người. Cám ơn anh chị em bạn bè đã nhiệt tình đồng hành cổ vũ tôi trên FB trong tuần vừa qua.

Cho đến hôm qua, tôi vẫn không hiểu trào lưu flex nghĩa là gì. Khi đọc một vài bài báo, tôi thấy hình như tôi đã flex cả tuần qua 😀. Những posts của tôi có thể cũng làm một số người khó chịu, nhưng tôi tha thứ cho mình 😀. Thiết nghĩ, hành trình cuộc sống mỗi người là khác nhau. Có thứ ta phấn đấu cả đời mới đạt được, còn với nhiều người, đó lại là những điều hiển nhiên. Có người sinh ra đã được thăm Harvard, vì bố mẹ họ có chuyện tình ở đây. Năm nay 45 tuổi tôi mới được đến Harvard lần đầu tiên. Để làm được việc đó, tôi đã phấn đấu rất nhiều. Vậy nên đôi khi, mỗi chúng ta cũng cứ nên tự cho phép mình flex, vì chúng ta xứng đáng😀!!

Trên trời, ngày 11/8/2023 (giờ Úc)

Ảnh chụp tại Boston, 9/8/2023 (giờ US)

Kết luận: tôi sẽ tiếp tục đi hội thảo và tiếp tục phờ lếch 🤣


Leave a comment